Nguyên do thực sự của khiếp đảm và lo âu
Nguyên do thực sự của khiếp đảm và lo âu
Hầu hết chúng ta thỉnh thoảng đều phải trải qua những cơn lo âu “thông thường”, như việc bồn chồn trước một sự kiện quan trọng hay trình bày trước người nghe. Một số người trong chúng ta trải qua những cơn lo âu dữ dội hơn như là việc lo lắng quá nhiều hoặc có nỗi ám sợ (phobia: chứng ám ảnh sợ hãi/chứng sợ hãi thái quá).

Với nhiều người trong chúng ta, những cảm xúc chiếm phần lớn trải nghiệm hàng ngày là cảm giác khiếp đảm và lo âu. Chúng chính là cái tô nền cho rất nhiều – quá nhiều – suy nghĩ của chúng ta. Khi trong những tâm trạng mong manh, ta khiếp sợ bị đuổi việc, hoặc đã làm gì sai trong công việc, hoặc mất đi một mối quan hệ hay bị xã hội kết tội và rồi xỉ vả.
Những mối sợ đeo bám chúng ta có thể trông đa dạng, mỗi nỗi sợ tự thân nó đã là một cuộc khủng hoảng nhỏ, cần những cuộc thảo luận riêng biệt để phân tích, nhưng có những khi ta nên gộp chung tình trạng này dưới một phân tích dùng cho tất cả các trường hợp: chúng ta – hơn bất cứ điều gì khác – bị bao vây bởi cảm giác rằng một điều gì đó rất xấu sẽ xảy đến với mình.

 

Vì sao ta cảm thấy như vậy? Nguyên do thực sự có thể nghe bất ngờ và thoạt tiên còn hầu như ngẫu nhiên: lòng căm ghét bản thân và, liên quan mật thiết với nó, sự mặc cảm bao trùm tất thảy. Không phải là chúng ta đang sống trong một thế giới nguy hiểm khác thường, mà là chúng ta khinh khi bản thân với sức mãnh liệt hiếm thấy, như điều tra tội phạm.
Lối suy luận, tóm tắt đơn giản nhất, là thế này: nếu sâu trong lòng, ta cảm thấy mình giống như một thứ chất bài tiết mà chính sự tồn tại của nó chẳng được ai mong muốn, thì trông có vẻ hoàn toàn hợp lí nếu như kẻ thù ngay bây giờ có thể bày mưu huỷ diệt ta, rằng chính phủ có thể theo dõi ta và tống cổ chúng ta vào tù, rằng người yêu ta có thể rời bỏ ta và rằng chẳng mấy chốc ta có thể sẽ bị những kẻ xa lạ xỉ vả và chế giễu.

Những phỏng đoán như thế đương nhiên luôn nằm đâu đó trong vùng khả thi, thế nhưng khi ta ghét bản thân quá đỗi, chúng biến thành những điều hầu như đương nhiên sẽ xảy đến, hoặc thậm chí, không thể tránh khỏi – vì, theo như lối nội duy này, những điều rất xấu nhất thiết sẽ phải xảy ra với những người rất xấu. Những người không quá ưa thích bản thân sẽ tự động mong đợi rất nhiều điều tồi tệ xảy ra với họ – và sẽ lo âu dữ dội mỗi khi, do một lí do kì lạ nào đó, những điều đó chưa hoàn toàn đủ thảm hại, và đó chính là một sai lầm chắc hẳn sẽ được sửa chữa (hiếm có điều gì khiến người căm ghét bản thân hoảng loạn nhiều bằng tin tốt.)

Sự hoang tưởng của một người cốt là triệu chứng của sự kinh tởm chính bản thân người đó – và nỗi khiếp đảm là vấn đề nổi lên từ sự mặc cảm. Cái khó là hầu hết những người ghét bản thân trong chúng ta không nhận thức được rằng mình đang làm như thế. Cảm giác rằng ta là người tồi tệ chỉ là luôn sẵn có, chẳng còn đáng để ta bận tâm tự lúc nào rồi. Nó là một cài đặt mặc định trong tính cách ta, thay vì là sự rối loạn chúng ta thụ động chứng kiến được khi nó đang trên đà hủy hoại cuộc đời ta. Với người căm ghét bản thân, việc thừa nhận rằng họ đang lo sợ bị đuổi việc vì họ ghét bản thân nghe thật nực cười. Họ chỉ chắc chắn rằng mình đã làm điều gì đó thật sai lầm vì email gần đây nhất của cấp trên có giọng điệu thật lạnh lùng. Tương tự, người tình căm ghét bản thân không tin rằng họ thường trực lo lắng về các ý định của đối phương chỉ vì họ không thấy bản thân mình xứng đáng được yêu thương; họ chỉ rất bực bội rằng người yêu có trót xao nhãng trong vòng 4 phút từ khi cả hai về đến nhà.

Vì thế, bước đầu tiên để phá vỡ vòng bất tận của sự lo lắng chính là: nhận biết rằng ta đang cư xử như một người căm ghét bản thân đang tự huyễn rằng mình xứng đáng chịu đau khổ, và lời đánh giá bản thân này lại đương nhuốm màu lên tất cả những đánh giá khác ta có trong tương lai.

Và rồi, hết sức khẽ khàng, ta nên bắt đầu tự hỏi xem một người biết yêu thương bản thân sẽ cư xử và nhìn nhận vấn đề thế nào nếu đặt họ vào vị trí của mình. Khi cơn hoảng loạn ập đến, ta nên tự an ủi bản thân, không phải bằng lập luận logic về các lí do để có hi vọng, mà là bằng cách tự hỏi liệu người không căm ghét bản thân có lẽ đang nghĩ gì lúc này. Nếu như ta có thể giảm đi yếu tố trừng phạt và công kích nội tâm, tình huống này sẽ trông như thế nào?

Hầu hết tình huống gây lo âu thường chứa sự mơ hồ, những hố nhận thức, và một loạt lựa chọn lập tức được người ghét bản thân phỏng đoán lấp vào theo hướng tiêu cực; nhưng sẽ thế nào nếu ta cố đánh giá tình cảnh của mình theo một cách trung lập hơn, không có sự dữ dội và khắc nghiệt của người tự huyễn rằng họ xứng đáng có một kết cục tồi tệ?
Một cuộc đối thoại với người khác có thể giúp đỡ được rất nhiều. Một người ngoài, một người bạn tốt hoặc – lí tưởng là – một chuyên viên tâm lí giỏi có thể giúp ta thoát khỏi hệ thống gò bó của những cách nhìn nhận của chính mình, và giúp ta thấy những phân tích của mình thật kì lạ và tự hành hạ bản thân thế nào.

Sửa chữa lòng căm ghét bản thân và mặc cảm là nhiệm vụ của cả đời người. Chúng ta quay về một chủ đề quá ư quen thuộc; rằng hầu hết vấn đề tâm lí xảy ra vì con người không được trân trọng một cách cảm thông, và yêu thương một cách ấm áp vào những lúc thực sự cần thiết, và rằng giả sử như ai được cho một điều ước để cải thiện đời sống nội tâm của toàn nhân loại, thì điều ước đó sẽ là, trong một cú vẫy của đũa thần, gạt bỏ đi sự mặc cảm. Cú thở dài nhẹ nhõm của toàn nhân loại hẳn sẽ vang vọng đến cả những dải ngân hà xa tít tắp.

Nguồn: The Book Of Life - The True Cause of Dread and Anxiety
Ảnh: Dave McKean - 9/11 Artists Respond
Người dịch: Cát Đằng

Tags: